top of page
Tìm kiếm
Nguyễn Cao Thăng

Chuyện Ngoài Uớc Mơ



Lúc tôi còn nhỏ, con nít ở quê chẳng có gì chơi ngoại trừ chơi khăng, chơi dây thun hay đi lang thang từ nhà này tới nhà kia để nghịch phá cây trái, đánh lộn đánh lạo, mà tôi lại thuộc thành phần ốm yếu nên chẳng dám gây chiến với ai cả.

Bố tôi thường nói "một sự nhịn bằng chín sự lành", cho nên tôi trở thành ít nói và có rất ít bạn bè; còn bạn gái thì chẳng có ai.

Với hình dáng hom hem của tôi thì mấy cô không dám để tôi đến gần, ngộ nhỡ tôi bắt chuyện làm quen, đem lòng yêu thương một chiều thì rách việc, cho nên tôi thường lân la nói chuyện với mấy bà già.

Ở gần nhà tôi toàn là những bà già, có một bà mà người con đi lính lái máy bay trực thăng và được đi du học bên Mỹ. Khi anh về mang theo mấy cái máy bay nhỏ chạy bằng pin; cái cần câu và cuộn dây cước mua ở Mỹ.

Trước đây anh ở Sài Gòn học trung học rồi đi lính nên tôi chẳng mấy khi thấy anh. Qua nhà chơi, tôi được mẹ anh cho coi máy bay chạy bằng pin thích lắm, lòng ao ước một ngày nào đó sẽ được ngồi trên máy bay.

Tôi nghĩ rằng đi lính là cơ hội duy nhất để tôi hoàn thành ước ao đó.

Mỗi lần về phép anh thích đi bắn chim hay câu cá, bọn con nít chúng tôi thường kéo theo sau một đàn giống như đi rước, để được coi cần câu và cái dàn thung bắn chim anh đưa từ Mỹ về, đồng thời tôi cũng thích ngắm cái đùi trắng như con gái của anh.

Một hôm anh sang sau vườn nhà tôi bắn được con chim bói cá màu xanh rất đẹp, anh không mang về mà cho tôi chứ không cho cháu hay những đứa khác, tôi vui mừng khôn tả.

Rồi vận nước suy vi, anh cùng chung số phận đau xót với những người lính thất trận miền Nam. Sau khi đi cải tạo về với hai bàn tay trắng, bây giờ anh khác hẳn với ngày xưa, chân tay đen thui, mốc meo như da người Miên.

Khi anh lập gia đình, vợ anh người ở thành phố về nên chị chẳng quen biết ai và không biết làm ruộng. Thời đó có cái xe đạp riêng là oai lắm rồi, đi đâu tôi chạy cái vèo còn anh đi lô-ca-chân. Nhiều người có xe đạp mà không có vỏ nên xe cũng phải bỏ xó.

Anh cách tôi một con giáp nên cũng chẳng có gì để nói với nhau, cộng thêm phần tôi là học sinh còn anh bị gọi là quản chế.

Ở quê tôi sau năm 75 hầu hết học sinh bỏ học vì chán nản, cái gì vô trường học toàn là nhai lại những bài như rơm khô, không một chút thực dụng để làm cho học sinh hứng khởi. Thầy cô giáo cũ được lưu dụng không tin những lời mình đang giảng thì làm thế nào, nói cách gì để cho học sinh tin? Ngoại trừ những giáo viên mới chuyển từ miền bắc vào thì nói như đọc bài học thuộc lòng. Thế nên bạn bè tôi vỏn vẹn còn có ba bốn mống ráng đèo bòng chữ nghiã ở Trung Học, mà không thấy trước mặt cái tương lai tròn méo thế nào.

Tôi rất thích người huynh trưởng đó nhưng chẳng bao giờ có dịp nói chuyện, vì từ ngày trở về từ trại lao cải anh sống âm thầm như một cái bóng mờ.

Chắc có lẽ chị biết được khả năng làm ruộng của mình không có, thay vì nhổ cỏ lại nhổ lúa vì cỏ lùng vực với cây lúa rất giống nhau, chỉ có nông dân chính hiệu mới phân biệt được, nên xin đi học giáo viên.

Mỗi sáng tôi và chị đều cắp sách đi học mãi trên trường Huyện cách nhà 12 cây số. Tôi thì học chữ còn chị thì học giáo, nhưng tôi và chị đều có nghề tay trái là buôn lậu. Nói của đáng tội, chị thì mỗi ngày mang theo một táo gạo đi bán kiếm tiền phụ với gia đình, còn tôi thì mang mấy chai thuốc trừ sâu đi bán kiếm lời.

Chúng tôi chưa bao giờ bị bắt, bởi vì chị trông hiền lành còn tôi tướng ngố quá, đâu có ai nghĩ hai người đi học kiêm buôn lậu.

Thời thế đưa đẩy tôi và anh đi vượt biên chung một chuyến tàu, bắt đầu bằng chiếc ghe tam bản tại nhà tôi. Vì tôi ốm yếu nên không phải chèo thuyền, tôi và chị ngồi coi đứa con chưa đầy một tuổi của anh chị sợ nó rớt xuống sông, còn việc chèo chống do anh và thằng em họ phụ trách.

Khi ra tới tầu lớn và ra khơi, anh trở thành người quan trọng của con tàu "không số 39 người", vì tài công chính bị say sóng nằm sõng sượt một đống để anh bây giờ là thuyền trưởng quyết định mọi việc.

Tàu bị hải tặc kéo vào đảo Koh Kra, sau mấy ngày được cao ủy Tị Nạn cứu vớt và đưa về trại Songkhla miền nam Thái lan. Nơi đây chúng tôi đã dùng 50 dollars của bạn anh gửi cho và một chỉ vàng tôi mang theo để sang lại một tiệm phở. Cũng nhờ tiệm phở này mà chúng tôi sống tương đối thoải mái dù có vất vả: anh chị đứng trong bếp, em họ tôi chạy bàn, còn tôi thì rửa chén đũa. Nhiều ngày khách đông rửa chén cũng bá thở luôn, nhất là rửa mỡ bò với nước lạnh. Sau khi bán xong chúng tôi còn được gặm xíu quách.

Qua Mỹ rồi có lần một đứa em họ khác là chủ quán cà phê kế bên, thành thật khai báo là mỗi tối sau khi hầm xương xong, chúng tôi về ngủ là mấy đứa nó múc xương ra gặm, gặm xong bỏ vô nồi súp lại. Ấy thế mà sáng hôm sau chúng tôi gặm tiếp chẳng nghi ngờ gì, mà vẫn cứ ngon.

Anh là lính nên được phái đoàn Mỹ nhận ngay và được đưa sang trại chuyển tiếp Galang- Indonesia; tôi chẳng có liên quan tới lính tráng nên bắt đầu từ đợt tôi, phái đoàn Mỹ từ chối tất cả những người không có liên quan tới lính và không có thân nhân ruột thịt ở Mỹ, tất cả phải có một nước nào đó từ chối thì phái đoàn Mỹ mới nhận.

Tôi tưởng rằng sẽ không còn cơ hội gặp anh chị nữa. Ngày chia tay lúc gia đình anh leo lên xe buýt tôi đã cám ơn anh chị giúp đỡ tôi trong thời gian ở trại, anh chị đã coi tôi như một đứa em.

Mãi mấy tháng sau tôi bị phái đoàn Úc từ chối rồi được Mỹ nhận, tôi lại khăn gói xuống tàu sang Galang. Lại một lần nữa tôi mừng khi gặp anh chị.

Tôi tới trại này mới vài tuần thì anh chị được đi định cư. Anh cho biết là đi "sponsor chùa" và về một thành phố nhỏ tiểu bang Kansas. Rồi tôi cũng được một người cùng quê bảo lãnh về Kansas, nhưng hai thành phố khác nhau, như vậy tôi có hy vọng sẽ gặp lại anh chị.

Tôi tới Mỹ lúc kinh tế đi xuống, thành phố Wichita tôi định cư có kỹ nghệ chính là sản xuất máy bay, mà mỗi lần layoff cả mấy ngàn người, nên rất nhiều người ở Wichita xuống thành phố Garden city nơi anh ở để tìm việc.

Thành phố này nhỏ (đi dăm phút đã về chốn cũ) có tới mấy hãng bò, đi đâu cũng thấy bò, ngửi chỗ nào cũng hơi phân bò... thế mà cả hai anh chị không ai làm hãng bò cả. Những người quen biết đều khuyên anh chị nên về Cali sống, nơi người ta gọi là cái rốn văn minh của vũ trụ, nhưng không hiểu tại sao anh chị cứ ở đó dần dần tiến thân.

Chị vừa đi rửa chén, lo cho bốn đứa con học hành rồi chính bản thân cũng đi học, suốt năm tháng không nghỉ ngơi ngày nào. Chị vẫn ước mong theo nghề dạy học đã bỏ dở lúc còn ở Việt Nam, cái nghề mà những người Việt lớn tuổi mới tới đây thường tránh xa.

Anh thì đã nằm gai nếm mật, leo lên từ thằng sai vặt cho tới khi có bằng Master Plumbing, rồi anh muốn thử thời vận ra mở công ty với sự khuyến khích của chị. Công ty của anh phất lên như diều gặp gió, bây giờ trong cái thế không muốn lượm tiền cũng phải lượm, vì công ty làm ăn có uy tín nên người ta cứ gọi hoài.

Việc ngoài field đã có công nhân, nhưng anh vẫn phải mướn người làm văn phòng lo việc giấy tờ và sổ sách kế toán vào ngày thứ bảy và chúa nhật, thế nhưng cũng không hết việc, nên chị sau khi đi dậy học về đành phải ra tiếp anh làm tới 9 giờ tối.

Tuy bây giờ lớn tuổi và không cần tiền, anh vẫn muốn đi làm, có tiền thì cho con cho cháu, cũng như giúp đỡ những người kém may mắn hơn mình.

Tôi thấy anh chị rất tế nhị và khéo léo trong vấn đề giúp đỡ.

Anh có kể lúc còn ở Việt Nam, nhà hết gạo, mẹ anh chờ lúc anh chị đi vắng mà đổ gạo vào thùng cho, anh chị nhớ suốt đời.

Còn chị bây giờ sau bằng ấy năm vất vả như vậy mà trông không già đi, cứ trẻ mãi. Chúng tôi nói chuyện rất hợp rơ, chắc có lẽ tôi già đi rất nhiều còn anh chị thì trẻ lại.

Tôi hơi tiếc là lúc đi vượt biên không ngồi trên mũi thuyền mà chèo, bởi vì anh và người em họ ngồi trên mũi thuyền mà chèo, nên ngày nay ai cũng mở công ty lớn làm ăn khá giả, chỉ có tôi ngồi không nên nay số phải vất vả.

Bà con khuyến khích anh về Cali riết rồi cũng chán, họ chẳng thèm mời gọi nữa, để anh chị an vui sống với cảnh đồng quê, hàng ngày ngửi mùi phân bò, để tôi còn có nhiều cơ hội ghé thăm và nói chuyện với anh chị về nước Mỹ và Kansas nơi chúng tôi ở, nơi mà chúng tôi phải mang ơn, vì mỗi sáng anh chị phải đi nhặt tiền, còn tôi phải xách thùng cơm leo lên máy bay đang lắp ráp, đi tới đi lui, nói láp dáp... để mỗi tuần bà xã được kiểm soát check lương, cười ngỏn ngoẻn trông rất tình tứ.

Chúng tôi không dám nói nhiều về Kansas, vì sợ người ta chửi mình là nhà quê, "Đã nùn nại còn nớn nối" vì đã bị nhiều người chê là quê mùa, cũng bởi chúng tôi gốc ở Kinh 5, tuốt luốt trong ruộng, xa ánh đèn phố thị.

Chúng tôi đã được nhiều hơn mơ ước, nên không dám than hay nổ, chỉ xin kể chuyện cho bà con nghe chơi, đỡ buồn.

Xin tạ ơn Thượng đế, cám ơn nước Mỹ và cám ơn tiểu bang Kansas, không phải là nơi tạm dung nữa, mà là quê hương mới của chúng tôi.

Nguyễn Cao Thăng

10 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page