02/27/2019
MARIA PHAN THI RIỆP
Vào truyện.
Trong dịp lễ an táng Nghĩa mẫu, hôm tôi đến nhà quàn, vừa gặp là cô Phụng ôm chầm lấy rồi quýnh quýu la:
- Em thích anh Tân với anh Hồ.
Tôi làm mặt tỉnh:
- Anh Tân thôi, thích anh Hồ sao được! Chị Hồ đàng kia kìa.
Cô trề môi:
- Dào ơi! Đừng tưởng bở. Ý em muốn nói là em thích đọc những bài các anh viết.
Tôi cười:
- À ra thế, thế mà tôi lại tưởng ...
Nhưng trong bụng nghĩ thầm, cô này dẻo miệng lắm biết đâu cô ấy khen ngược?
Hôm sau tôi được hân hạnh chở mợ Hải từ nhà quàn đến nhà thờ, rồi đến nghĩa trang. Khi bước xuống mợ khuyến khích rằng:
- Tôi thích đọc truyện của anh Hồ với anh Tân. Mở máy ra mà không thấy bài của các anh thì buồn lắm, kỳ này về anh phải viết một bài cho chúng tôi đọc.
Mợ Hải mà khen nữa thì chắc là thật, vì người già đâu có nói dối.
Vâng lời Mợ hôm nay con chấp bút. Cũng chỉ là những chuyện vụn vặt về kỷ niệm, một vài “tâm tư"và một số sinh hoạt trong chuyến đi đến Wichita kỳ này.
*************
Chút tâm tình.
Người Công Giáo thật hạnh phúc vì ngoài cha mẹ ruột họ còn có những cha mẹ đỡ đầu. Thông thường những người này có trách nhiệm phụ trong việc nuôi dạy, chăm sóc, nhất là về phần tinh thần cho những đứa con thiêng liêng của mình.
Ngày xưa tôi có chú thím Hòa, có hai bác Rị.
Bác Rị thì ở kế bên nhà, bác gái hiền lành, bác trai hơi nghiêm nghị, ít nói, có lẽ vì vậy mà mà chúng tôi không được gần gũi lắm.
Mỗi năm một lần đem quà làm lỡi tết và nhận tiền lì xì là hết.
Ngoài sự kính trọng, tình cảm thân mến của chúng tôi dành cho nhau không nhiều. Tôi vẫn gọi các con của hai bác là anh, chị bất kể họ lớn hay nhỏ tuổi, bởi tính theo họ xui gia bác trai là anh của bác Thoả gái cũng là bác dâu tôi. Tôi dành cho họ sự qúi trọng hơn là sự thân thiện của bè bạn ngang vai.
Chú thím Hòa thì hơi khác. Khi tôi hơi lớn thì chú đã vào lính, ở nhà chỉ còn thím và các em từ Soi trở xuống.
Thủơ ấy tôi phải đi chăn trâu đó đây mỗi ngày, những lúc dắt trâu ăn ở bờ Ấp Chiến Lược phía sau, tôi thường ghé nhà của chú thím uống nước, lúc quả xoài, trai ổi bà thường hái cho ăn.
Trên gương mặt xinh tươi luôn nở nụ cười và những lời thăm hỏi nhiệt tình, tôi tìm thấy sự thân ái, an bình và mến thương của người thân nên tôi gần gũi nhiều. Nhà có máy đuôi tôm, xài nhiều nên hay hỏng hóc, tôi mày mò học hỏi rồi tập tành sửa chữa. Biết vậy nên thím hay cho các em vời sang nhà khi căn lại cái vít lửa, lúc đổi cái bugi, thay nhớt hoặc những việc linh tinh khác.
Khoảng năm 1973, em Thành lúc ấy độ 9-10 tuổi, mặc cái áo lính của bố đứng suốt lúa, em còn bé, cái tay áo dài thùng thình cuốn vào cái giây cu -roa (belt), tay em gẫy gập làm mấy đoạn, ngay chỗ khuỷu tay bị téc ra, khoét sâu một đường dài độ 5 phân. Nghe tin tôi với chị Mận mang đò sang chở em đi bịnh viện đầu Kinh B, đến nơi đã 10 giờ tối. Em không khóc nhiều nhưng mặt mũi tái xanh có lẽ vi mất máu và lo sợ.
Nhà thương Kinh B không nhận vì không đủ phương tiện chữa trị, chúng tôi phải chở em 3-4 tiếng ngược trở lại tới nhà thương Rạch Giá họ mới nhận cho.
Khoảng cuối năm 1974 thím Hòa mất, nghe nói là bị hậu sản. Chú Hòa có về trong những ngày tang lễ, sau đó lại ra đi vì nhiệm vụ thời chinh chiến.
Tôi đi lại, gần gũi các em trong những ngày đau buồn đó. Chứng kiến cô Soi thay mẹ rầu rĩ nuôi em bé, ngồi trên võng tay cầm bình sữa cho em bú mà nước mắt lã chã tuôn rơi.
Lúc thấy em Hoàn, em Láng lon ton chạy theo chị Sáng vào bếp vừa nấu ăn vừa lau chùi mũi rãi cho.
Tôi chứng kiến những đau thương mất mát to lớn của các em trong cảnh mồ côi mẹ và vắng cha ở nhà. Thời gian sau thì em bé cũng đi theo mẹ.
Đến nay em Soi, em Sáng ở lại nơi quê cũ sau biến cố 1975 cũng đã về với Chúa.
Số còn lại anh em gặp nhau trên quê hương mới tại Seattle. Các em vẫn coi tôi như một người anh lớn trong nhà. Anh em luôn có nhau trong mọi biến cố vui buồn lớn nhỏ cuộc đời. Cho đến khi tôi rời Seattle đi New York anh em mới tạm xa nhau. Nhưng khi có dịp trở lại Seattle hay những biến có trọng đại, anh em vẫn ới nhau. Tôi luôn trân quí tình cảm thân thương này và gìn giữ nó cho đến hôm nay.
Năm ngoái tôi có thêm một gia đình mới. Thật bất ngờ khi chú Thăng nói cho tôi biết tin này, chuyện khó tin nhưng có thật. Đây là tâm tình tôi đã kể vào năm ngoái:
.... Tôi vừa biết tin Cụ trùm Vực mất trên Kinh5groups không bao lâu thì Chú Thăng gọi báo thêm: Mẹ em bảo phải gọi cho anh biết tin này.
Tôi đã quí mến, kính trọng Cụ từ lâu, vì Cụ là người bạn tâm giao của thân phụ, hai người có vẻ hợp nhau về nhiều tính cách, thường tìm đến nhau để bàn thảo những công việc chung của xứ đạo, của Kinh 5.
Phần riêng tư, Cụ coi tôi như con cháu trong nhà, lúc nào cũng thương quí, khi sa cơ thì chở che, nâng đỡ, khi nhà có chuyện buồn thi ủi an. Sau này mỗi lần về quê, thế nào Cụ cũng vời đến ăn với gia đình bữa cơm...
Vì vậy vợ chồng tôi quyết định đi Wichita viếng thăm và đưa tiễn Cụ lần cuối.
Trước hôm đi, sau cuộc trò chuyện bàn thảo công việc, Chú Thăng nói:
- Có Chuyện này em muốn hỏi anh chút được không?
....
- Anh có biết là bố em có dự phần đỡ đầu cho anh không?
Tôi ngần ngai:
- Chuyện hơi lạ? Đâu Thăng kể cho anh nghe xem sao! Vì từ bé, mình chỉ có bố Hòa là người đỡ đầu rửa tội. Rồi sau này có bác Rị cũng là bố đỡ đầu khi chịu phép thêm sức.
- Mẹ em bảo....
Xem ra câu chuyện còn dài mà tôi đang lái xe, nên nói với Thăng:
-Thôi ngày mai đằng nào cũng gặp nhau. Chúng ta sẽ nghe bà Trùm kể một lần.
Tôi gọi cho bác Tân kể sơ về chuyện này, rồi đêm ấy nằm ôn lại những kỷ niệm từ xưa có được với cụ.
Hôm sau vừa đến phi trường thì bà Chung đã gọi mời về nhà ăn cơm, bà đã nấu xong và dọn sẵn rồi. Mới đến nhà thì chú Thăng text:
-Anh đến chưa? Nếu đến thì ghé nhà bố mẹ em ngay nhé!
Chúng tôi bước vào nhà cúi chào mọi người, tôi thăm hỏi bà Cụ Trùm, sơ Mai, ông bà Luông...rồi nghe chú Thăng nói:
-Đâu mẹ kể chuyện ngày xưa làm sao cho anh chị Hồ nghe đi.
Nhìn di ảnh Cụ và không khí ấm cúng trong gia đình, trong thâm sâu của trái tim tôi đã có một chọn lựa.
Tôi nói:
-Chắc có lẽ Mẹ không cần phải phải kể lại chuyện ngày xưa nữa. Từ lâu còn đã kính mến bố mẹ như phụ mẫu, còn bố mẹ đã thương con như con cái trong nhà. Hôm nay với di ước của bố, chỉ là công khai hóa một tâm tình mà chúng ta đã ấp ủ từ lâu. Vậy vợ chồng con rất lấy làm vinh hạnh đón nhận ân tình này, để từ nay chúng con có thêm một gia đình, có thêm mẹ và các anh chị em. Chúng ta sẽ tìm cách nào đó để công khai hoá chuyện này để mọi người không ngỡ ngàng khi chúng con để vành khăn tang trên đầu.
Chuyện trò thêm chút nữa rồi cả nhà ra nhà quàn để chúng tôi đến viếng nghĩa phụ và chờ đón mọi người, chuẩn bị cho buổi kinh chiều. (Hết trích)
Từ đó tôi có thêm một gia đình, một đại gia đình thì đúng hơn. Các anh em, các cháu bên ấy đối xử với gia đình nhỏ của chúng tôi thật nghĩa tình.
Riêng nghĩa mẫu, tôi cảm nhận được niềm vui của Người mỗi khi chúng tôi gọi đến thăm hỏi. Biết vậy nên lâu lâu không thấy tôi gọi thì nhà tôi lại nhắc: - Anh gọi thăm mẹ chưa?
Có lẽ mỗi lần như vậy Mẹ hạnh phúc vì nghĩ đến Bố và đã hoàn thành di ước của Người, nối kết được tình cha-con mà thủa sinh tiền vì ngại ngùng sao đó mà Ngài đã không làm.
Sau này Chú Thăng kể lại: Bố đã nói với mẹ việc này và trong nhà mọi người đã biết từ lâu lắm.
Tôi có thể hiểu được phần nào sự ngại ngùng đó. Riêng tôi đã cảm nhận được sự thương yêu, qui mến của bố từ ánh mắt, sự đối xử đầy tình thương mến, tin tưởng thời Ngài còn sống. Chỉ tiếc rằng tôi không biết rõ sự liên đới này từ ngày ấy, nếu biết chắc sẽ làm bố vui hơn.
Thỉnh thoảng chúng tôi có chút quà gửi biếu nghĩa mẫu thì chú Thăng thường ngại ngùng, nói:
-Anh chị đừng gửi, ở trên này cũng có.
Tôi nói:
-Tôi biết các anh chị em trên ấy đã chăm sóc mẹ rất chu đáo, có bao giờ để me thiếu thốn gì. Nhưng tuổi già như trẻ thơ, rất thích được quan tâm, người già thường vui khi nhận được quà, dù những món quà ấy không dùng đến. Qùa của chúng tôi cũng chỉ là chút cây trái quanh vườn, nhà trồng được đâu tốn phí gì, dù mẹ chả ăn nhưng rất vui khi nhận được vì có thêm người quan tâm đến.
Vài tuần trước tết vợ chồng tôi bày ra gói bánh: Bánh chưng, bánh tét, bánh ú... mỗi thứ một ít, rồi gửi cho Mẹ ít cái ăn tết.
Hôm gọi chúc Tết bà khen bánh ngon rồi kêu chúng tôi đi Wichita chơi một chuyến. Tôi có hứa với bà là tháng Sáu là ngày giỗ Bố chúng con sẽ sang.
Vậy mà chỉ chừng một tuần lễ sau chú Thăng gọi cho hay: Mẹ yếu rồi, đang nằm trong nhà thương...
Chúng tôi facetime nói chuyện độ năm phút. Khi an ủi, khích lệ và hứa sẽ tiếp tục cầu nguyện cho Mẹ thì bà rất vui vẻ, dù giọng có yếu đi nhưng vẫn còn nói được rất rõ ràng. Chúng tôi nói từ biệt và đó cũng là lần cuối cùng mẹ-con nói chuyện với nhau.
Thực ra thì tuổi già ai cũng nhiều bệnh mà ta gọi là bịnh già. Riêng Mẹ Vực thì vài chục năm trước đã bị tai biến, sau này tuy có hồi phục, nhưng những bịnh già khác như cao máu, cao mỡ, cao đường...thì cứ mỗi ngày một xấu đi. Thể xác thì như thế nhưng tinh thần, trí óc lúc nào cũng minh mẫn.
Một yếu tố khác giúp bà hạnh phúc, tồn tại được nơi xứ lạ và lạnh lẽo này là nhờ đông con cháu lúc nào cũng quây quần chung quanh, nhà không bao giờ vắng vẻ. Cô Đào làm ca chiều nên cô ở với Mẹ hầu như suốt buổi sáng, cho đến khi chị Cúc làm ca sáng về với Mẹ.
Chú Thăng làm ca giữa thì tới với mẹ buổi tối. Lạ một điều là các cháu nội, ngoại đứa nào cũng quyến luyến bà. Nếu nói đám còn anh chị Nhiên vì ở với bà lâu nên thương mến thì cũng không lạ, nhưng mấy đứa con cô Đào hay chú Thăng mới gần gũi khi ông bà sang đây, cũng thương quí bà y như vậy.
Rồi các chắt nữa, tất cả đều về nhà bà, quanh quẩn bên bà, ê a đùa giỡn làm không khí gia đình lúc nào cũng vui nhộn, Có lẽ điều ấy giúp Mẹ vượt qua được sự cô đơn trống vắng và nhớ quê nhà.
Sau khi mổ để khai thông cái mạch máu bị nghẽn không hiệu quả, rồi biến chứng qua thận, tim...Tất cả cơ thể đều yếu dần đi. Các bác sĩ cho biết họ đã hết cách và tiên đoán bà có thể không tồn tại được quá 72 giờ nữa, có nghĩa là không trễ hơn ngày Thứ Hai 4-2-19.
Tưởng cũng nên nói thêm, ông bà có 3 cháu hiện đang làm bác sĩ, Cháu Trang con anh chị Hương, cháu Kiều con anh chị Nhiên, Cháu Lyly còn anh chị Luông. Vì liên đới nghề nghiệp, bạn các cháu đang làm việc tại bịnh viện này, nên các thông tin về bình tình của bà các cháu biết rất rõ.
Tôi thấp thỏm phân vân giữa việc đến viếng thăm bà ngay nếu kịp khi bà con tỉnh táo, nhưng chú Thăng bảo thôi, anh chị sang mà mẹ đã hôn mê cũng chả ích gì, đợi vài ngày nữa xem sao.
Sơ Mai Toản đã chuẩn bị sẵn visa, khi nghe tin mẹ trở bịnh nặng thì bay liền. Sơ đến đây lúc Mẹ còn tỉnh và ở với bà trong những giờ sau hết của cuộc đời. Tại nhà thương thường chỉ được phép một vài người bên giường bịnh, nhưng Mẹ Vực thì đặc biệt, kẻ vào người ra tấp nập, các cháu -chắt cứ quanh quẩn bên giường bịnh của bà. Bịnh viện còn dành riêng một phòng để gia đình tổ chức tết, những bao lì xì được chuẩn bị sẵn để bà mừng tuổi cho con-cháu-chắt. Nhin video mà cháu Phong up load gửi trên Kinh 5 Quê Tôi (FB) thấy toàn cảnh đầm ấm của đại gia đình chắc mọi người cùng mừng cho Mẹ.
Trưa thứ Bảy Chị Cúc gọi nhắc nhở mọi người cầu nguyện, chắc đã đến giờ Mẹ ra đi. Vừa cúp phôn thì chú Thăng lại gọi:
- Mẹ mệt lắm rồi, hơi thở dồn dập nặng nề.
Rồi sau cơn hấp hối ấy Mẹ hồi lại, tỉnh táo và truyện trò với các con- cháu. Đến 10 giờ 15 sáng hôm sau Chúa Nhật, vừa xong lễ thì Chú Thăng gọi lần nữa thông báo Mẹ đã đi rồi.
***
Gần 10 năm trước tôi não lòng chứng kiến giờ phút lâm chung của thân mẫu, bà Trùm Hàm. Có chút tương đồng, hai bà đều bị tai biến, sau đó đều hồi phục. Những năm tháng cuối cùng đều được các con quan tâm chăm sóc chu đáo. Nhưng thân mẫu bị liệt nửa người nên cứ yếu dần. Nhất là càng về sau thi trí nhớ càng tổn thương, xuống dốc, đến những năm cuối hầu như không còn biết gì nữa.
Về điểm này, tôi xót xa thương cảm cho Mẫu thân trên giường bệnh và tội nghiệp hết sức cho những người chăm sóc nuôi nấng những năm cuối đời của Bà.
Đầu tiên là em Sáng: Cơm cháo, giặt giũ vệ sinh, thuốc thang cho mẹ ban ngày. Chị Mận lo ban đêm. Mẹ hắt hơi em biết thuốc gì, mẹ sổ mũi em biết thuốc gì. Ở đâu thì mọi người cũng còn phải lo kiếm cơm, còn mẹ già bịnh hoạn nằm đấy thì đâu dám đi đâu xa, có chuyện ra khỏi nhà thì cũng vội vã rồi phải về ngay.
Một vài năm sau cùng có thêm em dâu là thím Dũng cũng hết lòng với mẹ, chăm sóc chu đáo, chiều chiều đẩy xe ra ngoài cho mẹ vãn cảnh thiên nhiên.
Tôi biết ơn và rất trân trọng những chị em này bởi lòng hiếu thảo của họ, vì biết rằng dù có ở gần chắc tôi cũng không làm được các việc cho mẹ chu đáo như họ đã làm. Thấy họ cực nhọc vất vả mà không hề lên tiếng thở than...Ngoài lòng yêu kính, thảo hiếu chắc không ai có thể làm được như vậy.
Cứ mỗi lần cần vé máy bay đi xa, thấy mấy hãng khác nó dụ mua rẻ hơn được vài chục, nhưng khi ra tới phi trường nó làm tình, làm tội rồi tính mỗi gói hành lý thêm từ 50-75$. Rút kinh nghiệm lần này tôi đi hãng SouthWest cho nó "sang", đắt hơn một chút nhưng mỗi người được mang theo 2 thùng hành lý không tốn tiền.
Mới mua xong vé thì có Hoa "Héo" nhắn tin.
- Kỳ này mẹ Nghị dẫn em theo đuổi ruồi, có trái cây gì anh chị nhớ mang theo, em thèm trái cây nhiệt đới như người ốm nghén thèm chua.
- Bây giờ đang mùa Đông, chỉ có mía thôi.
- Mia cũng được.
Những trái cây khác như: Xoài, ổi, nhãn, vải, mận thì bây giờ mới bắt đâu ra hoa, na thì đầu tháng Tư mới ra nụ. Chỉ có khế và sapoche là có trái quanh năm, cây khế thi nhiêù quả còn cây sapoche chỉ có mươi qủa to, có hái theo thì không bõ dính răng.
Lại nói về rau cần nước ở quê mình rẻ bèo chỉ vài ngàn tiền Việt Nam một bó. Hồi còn ở trên Buffalo, một lần sang Torronto thấy có bán, cây trắng, non và cộng to giống y bên Việt Nam. Thèm qúa tôi mua một bó chừng bốn - năm cộng giá $11.99 mà nhai sống lúc ăn trưa. Sau này mùa hè ở Mỹ thì chỗ nào cũng trồng được, nhưng vì trồng trên chậu nên cây nó vừa nhỏ vừa dai. Mãi năm rồi tôi mới trồng thử xuống bờ hồ sau nhà, chắc giống đất Kinh 3, chúng bén rễ mau, sinh sôi nảy nở, cộng non và mềm... Đoán già đoán non bà con các nơi đang mùa lạnh vể dự đám tang sẽ thèm rau, nên hai vợ chồng tôi ra cắt, rửa sạch rồi đóng thùng đem đi.
Trong những ngày chờ đợi này thì có ông Chánh Tâm hay gọi bàn tính chuyện nọ chuyện kia về đám tang. Cuối cùng vì bận rộn quá không thể bay sang dự được nên ông giao lại mọi việc cho tôi rồi chỉ thị rằng:
- Ngụy Giêng, ngươi cứ thế, cứ thế... mà làm.
Theo chương trình chúng tôi sẽ đến Wichita vào trưa thứ Năm để tham dự lễ phát tang vào buổi chiều. Ra phi trường check hành lý xong lên đến cổng mới biết chuyến bay bị trì hoãn, thế là phải ngồi đó chờ.
Chúng tôi đến Wichita đã gần 11 giờ đêm thứ Năm, khi nhận hành lý chỉ có mỗi vali quần áo, còn ba thùng rau trái không thấy. Ông Thăng vừa chạy chọt đi khiếu nại vừa ý kiến:
- Em đã bảo đừng mang nhiều đồ...
Chưa nói xong thì người thủ kho vẫy gọi cho biết, ba thùng này đã đến đây từ hồi chiều chứ không đi cùng chuyến bay với chúng tôi.
Bước ra khỏi phi trường cảm giác đầu tiên là cái lạnh, kể ra bên trong nước Mỹ lạnh nhất là vùng Ngũ Đại Hồ, năm nay có khi xuống đến âm 50-60 độ c ở Minesota, Michigan...ở nhiệt độ này mặt hồ cũng đông đá cứng ngắc mà xe có thể chạy trên ấy được. Wichita hôm nay chỉ lạnh âm vài độ thôi nhưng cũng làm cho cơ thể những người quen sống ở vùng nhiệt đới như chúng tôi có phản ứng như: Khô da, sổ mũi, hắt hơi...
Các Sinh Hoạt tại Wichita
Vì toà giám mục không cho phép dâng lễ Misa tại nhà quàn nên cha Đương sẽ dâng lễ tại nhà Mẹ vào trưa thứ Sáu. Trước lễ, hai cháu Triều -Diễm mới mua được căn nhà ở gần đó, chỉ cách vài trăm thước và nhân tiện cha Đương đến tiễn đưa bà Ngoại nên các cháu cậy cha làm phép nhà và xin Chúa bạn phép lành cho căn nhà mà gia đình cháu sẽ cư ngụ trong tương lai. Nhiều người đã đến hợp ý cầu nguyện và chúc mừng các cháu.
Trưa nay đã có khá nhiều bà con từ các nơi về Wichita. Xin tạm giới thiệu tên các thành phố: Houston, Dallas, Atlanta, Seattle, Porland, San Jose, Nam Cali, Colorado, Chicado, Oklahoma...và dĩ nhiên có nhiều người tại Wichita nữa. Hầu như tất cả đều đến tham dự thánh lễ, sau đó dùng Phở do nhà hiếu khoản đãi. Nồi phở dự trù cho 120 người ăn nhưng cuối cùng còn dư được 1/4.
Trong chương trình lễ an táng, Giáo hội Công Giáo có phần Canh thức, nghi thức này có nơi gọi là nghi thức vọng hay tiền an táng, thường được tổ chức vào tối hôm trước thánh lễ tiễn đưa.
Chiều nay lúc 4 giờ nghi thức này sẽ bắt đầu với phần khai mạc do cha Đương chủ sự. Ngài bắt đầu bằng các bài Kinh Thánh, lời nguyện Thánh vịnh và chia sẻ về cuộc đời của Mẹ Vực, an ủi những anh chị em, thân bằng quyến thuộc còn ở lại...
Sau đó phần sơ lược tiểu sử của Mẹ do anh Phan Đức Độ trình bày. Anh Độ cũng là người điều hợp phần tâm tình chia sẽ của cộng đồng và tất cả những ai muốn tham dự tối nay.
Có thêm nghi thức phát tang cho những người con vắng mặt tối hôm qua. Theo kế hoạch thì tất cả các con thiêng liêng sẽ nhận khăn tang lúc này vì tối qua đã không thể có mặt. Nhưng chỉ có vợ chồng Hồ Nguyễn biết tiết mục này, còn những người khác vì không biết nên vừa bước vào nhà quàn là đến bàn khăn tang đặt ở cuối hội trường xin và đội luôn. Thành ra chỉ có hai vợ chồng Hồ lên nhận khăn tang mà thôi. Thiệt là ngại ngùng hết sức.
Bắt đầu phần chia sẻ:
1- Bài chia sẻ của Cha xứ Kênh Thần Nông Vinh Sơn Nguyễn Minh Chu do cô Phan Chi đại diên đọc:
ĐÔI LỜI TIỄN BIỆT BÀ CỐ MARIA
Kính thưa tang gia, tang quyến cùng những người thân đang hiện diện trước linh cửu của Bà Cố Maria trong giờ cầu nguyện này. Hiệp với GX Kênh Thần Nông tôi xin được gửi lời Thành Kính Phân Ưu.
Trong những ngày qua sau khi nhận được tin bà Cố Vực, Maria Phan thị Riệp đã ra đi về với Chúa, lòng tôi cứ man mác nỗi buồn như chính mẹ mình vừa mới chia tay, mặc dù mẹ tôi kém bà 1 tuổi nhưng đã ra đi cách đây 18 năm (2001)
Ngay sau khi nhận được tin buồn tôi đã đọc được những dòng nhận xét của anh Hồ Nguyễn nói về người Mẹ thiêng liêng của mình như sau: “Hơn 40 năm sinh sống với bà con ở vùng đất nghèo nàn vật chất nhưng đầy ắp tình người này. Một bà mẹ quê hiền lành, đôn hậu, kín tiếng, chăm chắt lo toan cho gia đình. Tuy rất ít giao tiếp nhưng lại được nhiều người qúi mến, tôn trọng. Hàng xóm láng giềng thường tham vấn ý kiến của bà mỗi khi gặp phải sự trắc trở đó đây trong cuộc sống”. Tôi rất tâm đắc với những nhận xét tinh tế này.
Nếu cuộc sống của ông Cố Đaminh nổi bật về chữ “NHẪN” thì cuộc sống của bà Cố Maria nổi bật về hai chữ “Hiền lành và khiêm nhường”. Trong bất cứ dân tộc nào, tôn giáo nào, văn hóa nào, hễ ai sống hiền lành và khiêm nhường, thường được đánh giá là đạo đức. Có thể nói: Hiền lành và khiêm nhường là vẻ đẹp gọi được là căn bản của bất cứ ai muốn sống nên người.
Như để nhân loại quan tâm hơn đến những giá trị đạo đức đó, chính Chúa Giêsu đã nói: “Hãy học với Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29). Bài học Chúa Giêsu dạy về hiền lành và khiêm nhường không được viết ra bằng chữ, nhưng bằng chính đời sống của Chúa.
Tôi trộm nghĩ: Hiền lành và khiêm nhường của Chúa là thứ ánh sáng đã soi đường chỉ lối cho Bà Cố trong suốt hành trình cuộc sống 94 năm trên thế gian này.
Nhớ lại hồi còn bé tôi hay đến chơi ở xóm nhà Bà cố vì ở đó có những người bạn và những nhà họ hàng bà con như anh Toàn, chị Loan, Ông Trùm Sinh, bác Xã Đạo, anh Phùng con bác Trùm Khiển . . . Thú thực tôi rất ngưỡng mộ sự thánh thiện của Bà là người tôi được thấy, được gặp, được nghe, được gần gũi. Bà tỏa ánh sáng hiền lành và khiêm nhường qua con người của Bà, cách sống của Bà, thái độ của Bà, lời nói của Bà. Nơi Bà Cố có một cái gì rất bình dị, rất nhã nhặn, rất đơn sơ nhẹ nhàng và rất cuốn hút.
Xin hết lòng tạ ơn Chúa về những gì Chúa đã làm nơi cuộc đời Bà Cố Maria.
Xin cám ơn Bà Cố về cái gia sản quý giá là cuộc sống thánh thiện, hiền lành và khiêm nhượng mà Bà Cố để lại cho con cháu và cho cộng đồng những người dân Kinh 5 ở hải ngoại cũng như ở trong nước và cách riêng Bà để lại cho tôi nữa.
Về bên Chúa, xin Bà Cố thương cầu nguyện cho chúng con được nối gót chân bà để hy vọng có ngày được gặp lại Bà trong Nhà Cha Trên Trời.
Trọng kính! Linh muc Vinh sơn Nguyễn minh Chu
2- Đại diện xứ Kênh Thần Nông: ông Nguyễn Viết Toàn:
Kính thưa Soeur trưởng tộc họ Nguyễn và tang quyến,
Kính thưa tòan thể qúi vị Thân bằng, quyến thuộc và tất cả Ông bà Anh Chị em.
Hôm nay, Cụ bà Maria vừa từ giã chúng ta, thật là một mất mát to lớn cho tang quyến và tòan thể những người thân quen. Được uỷ nhiệm bởi Linh Mục Tuyên uý và Hội Đồng Giáo Xứ, chúng tôi đến đây xin chuyển lời Thành Kính phân ưu và niềm tiếc thương vô bờ của toàn thể Giáo dân thuộc Giáo Xứ Kinh Thần Nông Hải Ngoại đến soeur trưởng tộc cùng tòan thể tang quyến.
Chúng tôi, toàn thể giáo dân của giáo xứ Kinh Thần Nông Hải Ngoại cầu xin Chúa Chí Nhân rước Linh Hồn Cụ bà Maria về cõi trường sinh.
Kính thưa quí vị,
Ai trong chúng ta rồi cũng sẽ ra đi, khi Chúa gọi, Bà Trùm hôm nay ra đi tuy để lại vô vàn tiếc thương cho con cháu, nhưng khi sinh tiền, bà đã sống cuộc đời khiêm nhường, đạo hạnh , nên lúc lâm chung, bà được Chúa thưởng công bằng ơn chết lành, hưởng tất cả các phép bí tích và gặp mặt toàn thể các con cháu, và an uỉ nhất là bà sẽ được đoàn tụ muôn đời với ông Cụ Trùm Đa Minh trên nước Chú́a Hằng Sống.
Kính Soeur Mai, Chị Hương, Chị Nhiên, chị Luông và anh Thăng, anh Dụng.
Bác Trùm ra đi, nhưng b́ác đã để lại một gia tài trân qúi cho đời, đó là nuôi dưỡng một đàn con thành đạt về cả tài năng lẫn đạo đức. Chúng tôi xin hãnh diện được là người bạn quen biết với anh chị mấy chục năm qua, và nhiều năm tới mỗi khi gặp lại nhau, chắc chắn chúng ta sẽ còn rất nhiều kỷ niệm kể lại về Ông bà Trùm, một bậc trưởng thượng đã dạy chúng ta rất nhiều điều hưũ ích cho cuộc sống. Xin Chân thành chia buồn cùng các anh chị như là một đồng hương, một láng giềng và nhất là như một người bạn tâm giao.
Kính bà Trùm.
Con ngưỡng mộ bà, Chúc bà ra đi thanh thản và cho con gởi lời thăm ân cần đến cụ ông Đa Minh. Chúc hai Ông bà mãi hạnh phúc bên nhau trong nước Trời.
Xin kính chào và cảm ơn qúi vị
(Còn tiếp vì có hình, gưi nhiều máy không tải)
Lời tâm tình của đại diện giáo xứ Tân Chu do Phan Thị Hoàng Yến đọc.
Hội đồng Mục vụ- Cộng đoàn Giáo xứ Tân Chu xin được thành kính gửi lời phân ưu đến toàn thể tang quyến Bà Cố MARIA Phan Thị Riệp.
Sự ra đi của bà, qúi tang gia đã mất đi một vầng mây che mát trong đời, con cháu mất đi một cây cao bóng cả làm điểm tựa nương và tấm gương tốt lành để noi theo.
Xin Thiên Chúa và Mẹ Maria Vô Nhiễm nâng đỡ ủi an tang quyến và bội thưởng cho Linh hồn Maria, người con nhân hậu và khiêm tốn của Chúa.
Trong tình liên đới, xin được hiệp thông và chia sẻ sâu sắc sự mất mát tình mẫu tử, tình thương mến của gia tộc.
Giáo xứ Tân Chu cũng xin đặc biệt gửi lời tri ân đến Bà Cố Maria. Trong quá khứ, những năm tháng vừa chân ướt chân ráo về Kinh 5 lập nghiệp, nhà nhà đều phải dốc công vun đắp tạo dựng nơi ăn chốn ở của gia đình, thì ông Cố Đa Minh đã hy sinh gánh vác công việc của họ đạo đến hai nhiệm kỳ. Sau đó ông lại dấn thân cho nhiều việc xã hội trong kinh ấp. Ông còn giữ vai trò đốc công, công trình xây dựng ngôi Thánh đường hiện tại.
Và bà Cố Maria, người bạn đường của ông, người mẹ của đàn con thơ dại, đã âm thầm thay ông gánh vác việc nhà, nuôi dậy con cái để mái ấm gia đình được bền vững. Nhờ thế ông có thể toàn tâm toàn ý giúp lo công việc chung cho giáo hội và xã hội.
Thêm nữa, mặc dù trong hoàn cảnh chung của mọi người nơi miền thôn dã còn nhiều khó khăn, ông bà Cố vẫn tích góp, hy sinh phần mình nhưng quảng đại để dâng cúng, cùng mọi người xây dựng ngôi nhà thờ của xứ đạo cho được khang trang, xứng đáng là nơi Chúa ngự.
Đời sống đạo hạnh và hy sinh của ông bà là tấm gương sáng để cháu con cũng như cộng đoàn cùng noi theo.
Với tâm tình tri ân, vào lúc 04h30 ngày 23/02/2019 này, Cha Xứ và Cộng đoàn Giáo xứ Tân Chu sẽ cùng hiệp dâng Thánh Lễ tại Thánh đường Tân Chu, để cùng hiệp thông với Thánh lễ an táng Bà Cố Maria ở thành phố Wichita bên Mỹ.
Xin tang quyến và mọi người hiệp ý.
Thay mặt HĐMV & Đại diện Cộng Đoàn giáo xứ Tân Chu
LAMPHAN
Điếu văn Cụ Phan thị Riệp
NÓI VỚI MẸ (Phương Toàn)
Bài này do anh Lâm Thiên Lương đọc
Mẹ sinh ra con, cho chúng con sự sống.
Mẹ nuôi con khôn, cho chúng con thành người.
Sinh thành, dưỡng dục: Ơn trời cao, biển rộng.
Biết đến bao giờ, con trả hết? Mẹ ơi!
Mẹ cười khi con bập bẹ tiếng đầu đời.
Mẹ lo khi con trán nóng, khi hắt hơi.
Mẹ buồn con ăn không no, co không ấm.
Mẫu tử tình thâm - con nhớ tiếng ru hời.
Khi xưa khó nghèo, đói no mẹ san sẻ.
Một bát canh đầy, hay một nồi cơm vơi.
Chứa chan vị ngọt cuả tấm lòng người mẹ.
Chín chữ Cù Lao .... con ghi dạ suốt đời.
Rồi con lớn khôn, trên đường đời lưu lạc.
Mẹ con cách xa, mẹ trông ngóng mỗi chiều.
Nước chảy xuôi, nước không bao giờ chảy ngược.
Mẹ vẫn gượng cười, dù lòng dạ hắt hiu.
Khi tuổi xế chiều gần đến ngày chúa gọi.
Mẹ ưu tư trăn trở, mẹ thức thâu đêm.
Ngày xưa mẹ thường hay san bùi sẻ ngọt.
Sao bây giờ mẹ dấu mãi tận trong tim!
Nay Mẹ ra đi chúng con buồn vắng mẹ
Ân tình xưa chúng con giữ tận đáy lòng
Thôi mẹ đi .... chúng con khấu đầu tiễn biệt!
Chúc mẹ lên đường, về tận cõi Vĩnh Hằng.
****************
Mai này mẹ sống trên thiên đàng với bố
Cuối tuần khi hai người dung dăng dạo phố
Mẹ bảo bố đưa tay vén chín tầng mây
Nhìn xuống nhà xưa, nhìn chúng con vẫy tay.
Về lời tâm tình của Thảo, con dâu Út.
Thảo là một trường hợp rất đặc biệt. Vợ chồng em đã sống ly thân nhiều năm nay. Hai người cùng chia sẻ việc chăm sóc, nuôi dạy con cái. Dù vậy tình cảm giữa em với gia đình nhà chồng luôn gắn kết.
Chúng tôi mới gặp và biết mẹ con em trong dịp đám tang Bố Vực nâm ngoái. Sau đó gặp lại trong Đại Hội Thánh Mẫu, mẹ con em tham gia ca đoàn nhà thờ và cùng mọi người đi trình diễn để tung hô, dâng kính Đức Mẹ. Sau các sinh hoạt trong đại hội, mẹ con em thường đến lều chị Cúc ăn uống với mọi người.
Hôm đám tang Thím Hộ, khi nghe tin vợ chồng tôi xuống đưa tiễn thím. Thảo gọi mời đến nhà em. Dịp này có chị Cúc, cô Đào, chú Thăng và chú Duyên cũng về đây nữa.
Tất cả đã đến nhà em, thăm ông bà Giáo là xui gia đang an vui tuổi già với mẹ con em. Chúng tôi được phép đến thăm cơ sở làm ăn của em đang hoạt động.
Em mở và điều hành một văn phòng pháp lý chuyên về di trú và tai nạn (giao thông và các loại thương tích khác). Địa điểm thuận lợi, khách hàng hàng đông đảo. Có ít nhất hai luật sư thường xuyên đến làm việc tại văn phòng này.
Dù rất bận rộn với công việc. Một năm đôi lần hoặc nhiều hơn khi gia đình bên nội có việc, em vẫn đưa các con về thăm ông bà nội, họ hàng bên chồng tai Wichita, cách Austin nơi em ở 6 giờ lái xe. Từ ngày bố mẹ Vực sang đoàn tụ, mối giao tình càng thân thiết hơn. Bố mẹ thương và biết em buồn nên càng lưu tâm ủi an chia sẽ... Tình cảm của em với mọi người vận đong đầy. Trong giờ lâm chung, giây phút cuối của cuộc đời, Mẹ cầm giữ bàn tay em chặt và lâu như để tỏ lòng thương cảm với đứa con mà có lẽ Mẹ còn phải trăn trở này.
Lời tâm tình của em có nội dung tóm tắt như sau:
Em bắt đầu bằng tiếng khóc sụt sùi nhớ những ngày đầu tiên về làm dâu mẹ ở Kinh 5. Một cô gái mới lớn, vừa học xong là lấy chồng. Nhất là em không hề biết gì về công việc đồng áng. Hiểu biết rất ít trong việc đối nhân xử thế...Đám cưới xong em hồi hộp, chỉ sợ mình sơ suốt làm những điều không đúng, không phải...
Nhưng nhờ tình thương của mẹ, sự hiền lành, dễ đãi của mẹ, em đã có những ngày tháng thật an vui, hạnh phúc bên gia đình nhà chồng ở Kinh 5.
Khi bố mẹ sang đây, mặc dù chuyện gia đình em đang gặp sóng gió, bố mẹ vẫn quan tâm theo dõi và ủi an. Mẹ chưa một lần nặng nhẹ cô con dâu, lúc nào cũng khuyên răn và cầu nguyện cho em, cho gia đình em. Mẹ nhắc nhở em hãy cậy trông phó thác và xin Chúa thương ban cho em những điều tốt lành nhất mà ngài muốn. Kể cả việc vác cây thánh giá cuộc đời đi theo Ngài.
Chúng tôi thấy rất nhiều người lau nước mắt vì cảm động với những lời tâm tình này của em.
Tâm tình của Tân Nguyễn do Phan thị Thanh Thúy đọc:
Nhà chúng tôi cách nhà ông bà Trùm Vực có 1 lô, nên ngày còn nhỏ thường qua đó chơi nhiều trò trẻ nít với con cái bà.
Suốt bao nhiêu năm ở gần nhau, tôi chưa bao giờ nghe thấy bà lên giọng với ai, ngay cả với các con.
Người K5 xưa rày đa số hiền lành, nhưng lành như bụi trúc, cây lúa, bờ mương... quê nhà thì bà chính là hiện thân của hình ảnh đó.
Trên môi bà thường có nụ cuời vui vẻ nhè nhẹ chứ không cười lớn tiếng, nhưng cũng đủ làm mát lòng người đối diện.
Khá lâu rồi, có lần tôi lên Wichita ghé thăm bà, bà buồn rầu nói nhớ nhung cảnh cũ người xưa, những bà Xuân, bà Hiệu...làm bạn bè cả năm sáu chục năm, bây giờ xa cách nhớ nhau quá.
Rồi vì con cháu, bà đành ở lại xứ sở Hoa Kỳ này mãi mãi.
Những người bạn xưa bà kể tên cũng đã rời cõi thế trước bà.
Thôi bây giờ không còn chi ngăn cách âm dương nữa, bà đang cùng ông trùm Vực và các bà Xuân, bà Hiệu... vui vẻ ôn cố tri tân ở trên Thiên đàng rồi.
Chắc chắn Chúa đã thưởng công cho những người con cái hiền lành, nhu thuận này.
Kính cẩn.
Nguyễn Viết Tân
Comments