Nhà tôi có bà con đông nên thường phải đi đám cưới, đám tang ở rất nhiều tiểu bang, có năm tôi phải sang Cali tới ba bốn lần... Nhưng mới đây mấy đứa con có ý kiến rất hay rằng: Đám cưới thì mấy đứa con đi, còn đám tang dành cho bố mẹ. Nhà người ta thường đi có cặp, hoặc họ bên ông thì ông đi, họ bên bà thì bà đi, riêng tôi thì khác hẳn vì bên ông hay bà tôi đều phải đi cả.
Giữa tháng Một năm nay, bên nhà tôi có bà bác bị bịnh, đi khám thì bác sĩ thấy có cái bướu ở phổi nên khuyên đi mổ lấy bướu ra cho an toàn, bà nghe lời bác sĩ nhưng không ngờ sau đó bị nhiễm trùng rồi qua đời. Tuy là bác họ nhưng mẹ của bà có công rất lớn với nhạc mẫu của tôi, vì hồi nhỏ nhạc mẫu tôi mồ côi và được mẹ bà mang về nuôi, đưa từ Bắc vào Nam rồi gả đi lấy chồng. Nhạc mẫu nay không còn nữa, cậu em và vợ tôi hằng ngày phải vào chăm sóc nhạc phụ, cụ đang ở trong viện dưỡng lão, lại không quen ăn đồ ăn Mỹ, nên người nhà phải nấu những món ăn khác mỗi ngày để sau khi đi làm về, cậu em mang đồ ăn tới ăn chung với bố cho cụ vui. Muốn ông được an dưỡng trong tuổi gìa nên gia đình luôn chiều chuộng, muốn ăn thứ gì là có món đó. Những hệ lụy khác như: gia đình tôi có đi vacation cũng không dám cho ông biết, vỉ ông sẽ cản ngăn, khi không thấy con cháu quây quần thì ông nhớ bỏ cả ăn...nên bà xã tôi không yên tâm để ông ở nhà và không muốn đi đâu xa cả. Đôi lần chiều chồng, thương con phải nhắm mắt đi theo mà trong bụng cứ thấp thỏm lo lắng nghĩ đến cha già ở nhà thấy rất tội nghiệp.
Tôi nghĩ dù có bận tới cỡ nào thì trong gia đình bà xã tôi cũng phải có người đi đám tang này cho trọn tình nghiã, đặc biệt đối với một người mà gia đình mình vẫn mang ơn đã cưu mang mẹ của mình lúc trước. Nhưng khi nghe bà xã bảo ông đi một mình đi, tôi hơi lúng túng vì đâu biết nhiều về gia đình bả, nếu cả hai người đi mình cũng đỡ ngại, vì dù sao bà ấy cũng đã quen biết tất cả bà con dòng tộc, còn mình chỉ nghe kể thì nhiều chứ có biết về họ nhiều đâu. Nhưng nay bà bề trên đã quyết mình phải tuân lệnh thôi.
Tôi vội mua vé để răm rắp thi hành nhiệm vụ được trao ban. Thường đám tang tổ chức thứ Bảy cho nhiều người có thể tham dự và tôi chỉ mất một ngày nghỉ làm để đi về, nhưng đám này tổ chức vào ngày thứ Tư nên tôi phải mất 3 ngày nghỉ. Trong khi mỗi năm tôi chỉ có hai tuần nghỉ phép và một tuần nghỉ bệnh. Lệnh bà ban ra thì phải tuân nhưng trong lòng cũng có chút xót xa vì vưà tốn phí đi về, vừa mất toi mấy ngày phép.
Người ta thường nói Cali nắng ấm tình người nhưng xui xẻo cho tôi vì từ trước lúc sang cho tới khi về trời vẫn mưa. Không hiểu sao tính tôi đã đi thì cố gắng đi cho được nhiều chỗ, nên khi ra nghĩa trang Chúa Chiên Lành nơi ca, nhạc sĩ Việt Dzũng an nghỉ, tôi muốn đến thăm anh nhưng dáo dác tìm không thấy có ai quen để hỏi nên đã lỡ mất cơ hội thì thầm với anh. Nhất là tôi nghĩ trong nghi thức an táng cần phải trang nghiêm, mình không nên đi lòng vòng hỏi hết người này tới người kia tìm nơi anh nằm.
*******
Sau 2 giờ chiều mọi chuyện chôn cất đã hoàn tất nên lái xe tới thăm người bà con. Bà bị Alzheimer, cách nay 3 năm tôi đã tới thăm, lần đó bà vẫn còn nhớ chú em và hỏi thăm bố mẹ tôi nhưng chỉ vài phút sau là lập lại câu đó. Nhưng lần này thì bà không còn nhớ gì nữa, khi nói tới bố mẹ tôi thì bà nhớ, bà chỉ nhớ những chuyện cách nay 70 hay 80 năm về trước, trí bà cứ mơ mơ màng màng... Nhìn thân hình tiều tụy chỉ còn có da với xương, tôi hỏi người con gái tại sao không đưa bà vào viện dưỡng lão? Ông chồng bà lúc trước cũng ở trong đó rồi mà.Tôi đã có dịp ghé thăm lúc ông còn sống, ở đó giống như làng Việt Nam, rất nhiều hội đoàn đã tới thăm, có nhiều đồng hương làm bạn. Tôi đã gặp một số người khá nổi tiếng trước năm 75, lúc đó cũng nằm ở đây. Người con cho biết hiện nay Cali rất khó xin vào viện dưỡng lão vì chính phủ phải trả cho viện dưỡng lão khoảng 7 hay 8 ngàn mỗi tháng, họ không có đủ ngân sách trả cho tất cả mọi người. Còn phần cô không thể lo cho bà 24 tiếng một ngày, nên đành phải gửi cho tư nhân coi sóc, với điều khiện là họ sẽ lấy tất cả số tiền già bà được hưởng, khoảng 2 hay 3 ngàn gì đó. Ai cũng biết rằng cô đã dưỡng nuôi mẹ nhiều năm rồi, nay với căn bệnh ngày càng nghiêm trọng hơn, cô không thể cáng đáng thêm nữa, nếu vì thương mẹ mà để ở nhà thì cô sẽ chết trước mẹ.Tôi có người bạn khác, ông chồng không chịu vào viện dưỡng lão, sau hơn một năm ông chết, chị ta phải vào nhà thương, bây giờ thân thể chỗ nào cũng đau vì đã kiệt sức. Trường hợp nhạc phụ của tôi cũng vậy, nếu để ở nhà mỗi đêm ông gọi vài lần đưa ông đi tiểu, cần xoa bóp lúc trái gió trở trời, thuốc thang, điều dưỡng theo nhu cầu lúc tỉnh, lúc mê...nhất là những suy nghĩ và đòi hỏi rất vô lý, trái khoáy của căn bịnh già và mất trí nhớ ... thì điều chắc ăn là ông chưa chết thì vợ chồng cậu em vợ tôi đã chết. Bởi vì cậu còn phải lo cho bầy con, lo kiếm tiền và các sinh hoạt khác của cuộc sống hàng ngày. Khi ở nhà dù có mướn người coi ông ban đêm, ông cũng chỉ kêu con cháu trong nhà, hình như các cụ hoặc không tin tưởng người lạ, hoặc đã quen thành nếp nên chỉ gọi con mà thôi. Người săn sóc không chuyên nghiệp hoặc yếu kém trách nhiệm thì các cụ còn khổ sở hơn nữa.
Một bất tiện khác: Căn bệnh Alzheimer này cũng đã làm cho nhiều gia đình tan nát vì người bệnh không nhớ nên hay nghi ngờ người này người kia lấy tiền bạc hay đồ đạc của mình, đôi khi anh chị em không thích nhau rồi dùng những câu nói không bảo đảm sự trung thực của bố mẹ để chứng minh và đưa đến cuộc chiến khốc liệt hơn làm tan nát gia đình. Mới đây tôi tới thăm cha của người bạn, gặp tôi ông rất mừng, mới ngồi xuống là ông đã kể tội của các con, ông không nói tên nhưng tôi biết ông ám chỉ ai. Ông nói là nó lấy tiền của ông để mua nhà, mua xe cả bao nhiêu cái..Thực ra những người con được dưỡng nuôi, yêu thương, chăm sóc... có mấy ai nỡ lòng chôm chĩa tiền nong của cha mẹ như vậy, cho nên anh chị này và cả những người thân khác đã không ai tới thăm. Ngồi nghe bố mình nói xấu mình thì ai không buồn, nhất là những người con dâu hay con rể càng ngại ngùng, điều này sẽ tác động đến những người ruột thịt. Anh con trai còn cho tôi biết, vì nghi ngờ con cháu lấy tiền nên ông đã đút vào cây gậy của ông dùng hàng ngày, anh đã mất rất nhiều thời giờ ngồi moi lấy tiền ra cho khỏi rách. Mấy cụ già nhận được tháng có mấy trăm mà nói ra là mình đã mất tiền triệu. Ông cụ buồn vì mất tiền nên đòi tự tử nhưng còn sợ phải xuống hỏa ngục nếu tự tử. Tôi cũng tới thăm một người bà con nữa cũng mắc bệnh Alzheimer, ông vẫn còn đi lại được nên vẫn còn ở nhà với vợ con. Lần trước tới thăm ông còn nhận ra thằng cháu nhưng lần này chẳng thấy ông nói gì nên tôi hỏi có biết cháu là ai không? Ông lắc đầu nhưng nhắc tới bố mẹ tôi thì ông biết. Tôi cảm thấy buồn vì hiện nay rất nhiều người mắc chứng bệnh này, các nhà nghiên cứu cho biết: khoảng 30 % sẽ mắc chứng Alzheimer khi họ 85 tuổi hay già hơn. Tôi từng chứng kiến một số người mới ngoài 70 mà chân tay đã đau nhức không thể đi được, tuy họ vẫn cố vui sống và dùng những sinh khí còn lại, tỏ ra đang có cuộc sống bình thường để làm cho con cháu an tâm đi làm, đi học. Ai cũng muốn sống lâu 100 tuổi nhưng mấy người tới tuổi đó mà còn khỏe mạnh, có phải vì chúng ta đã làm qúa sức của mình cho nhu cầu vật chất, đã ép mình làm những công việc qúa tầm tay để rồi ân hận cả phần đời còn lại, nên mới sinh ra những bệnh tật khác nhau. Tuy thời gian rất ngắn để đi thăm những người già yếu, có thể đây là lần cuối cùng gặp họ, nhưng tôi cũng đã tìm gặp lại những người bạn học của mái trường xưa Tân Hiệp, có những người gần 40 năm xa cách, lúc đi học thì chẳng nói với nhau câu nào mà sao bây giờ khi gặp nhau lại lắm chuyện làm vậy? Nói hoài không hết chuyện. Chuyện bất ngờ nhất có lẽ là gặp lại Nữ Trang Chủ của chuyến họp bạn tại Georgia năm 2018. Một người bạn đã cho chị biết tôi có mặt tại Cali cùng thời gian với chuyến thăm bạn bè của chị trong vùng. Tuy chỉ là lần thứ hai gặp, nhưng tình cảm của mái trường xưa đã làm cho chúng tôi gần gũi nhau hơn, tôi có cảm tưởng như chúng tôi đã đi học chung từ thời mẫu giáo. Chuyến đi này tuy vội vã nhưng tôi hài lòng vì ngoài việc đưa tiễn vị ân nhân, tôi còn đi thăm viếng và làm được một số việc bên lề. Tối về tới nhà vội chạy lên thăm mẹ. Tôi kể chuyện gặp lại bà con và hàng xóm, cũng không quên nói với mẹ rằng: -“Mẹ ạ. Con thấy gia đình mình ơn trên ban cho qúa tay, từ trước đến nay và trong cả cuộc đời con. Này nhé! Đâu có ai nói được bố sống tới 100 tuổi? Đâu ai bảo bố sẽ ra đi trước mẹ? Ai có thể ngờ một người bệnh hoạn, yếu đuối đã gần 50 năm như mẹ mà vẫn còn sống với chúng con, Không chỉ sống mà đầu óc vẫn minh mẫn”, hàng ngày chúng con vẫn có mẹ của những ngày xưa thân ái bên cuộc đời. Xin cảm tạ ơn trên đã ban cho đại gia đình ta còn có mẹ cùng đi với đàn con-cháu- chắt đến hôm nay.
Rồi một hôm tôi tới thăm mẹ, đứa cháu nói hôm nay sao bà ăn gì cũng ói! Tôi phân vân hay bà bị cảm lạnh vì ở đây thời tiết đầu tháng hai vẫn lạnh lắm. Tôi vội lấy hai viên thuốc cảm cho mẹ uống. Có lẽ vì ói mửa nhiều nên bà mệt nằm yên không nói gì. Tôi vừa buồn vừa lo lắng nên nằm xuống giường kế bên giường mẹ và nghĩ mông lung: Không biết có phải đây là giờ phút cuối cùng mẹ con nằm với nhau không? Đầu óc như một đoạn phim quay lại những hình ảnh từ ngày tôi còn bé cho tới những năm tháng bố mẹ định cư, gần gũi với chúng tôi ở đất nước này. Tôi đã được nghe các ngài kể về quê hương miền Bắc, miền thôn dã Kinh 5 nơi tôi sinh ra và lớn lên, những thay đổi trong xã hội và giáo hội qua từng thời kỳ theo vận nước nổi trôi...
Hôm sau đang làm việc trong hãng thì nhận được điện thoại của chị tôi. Tin sét đánh: Mẹ đang trong phòng cứu cấp, hiện tại thì chưa biết bệnh gì và lý do làm sao? Tối hôm đó tất cả anh chị em, cháu chắt đều có mặt ở nhà thương. Bác sĩ cho biết mẹ tôi không sống qúa 3 ngày. Nhưng rồi mẹ đã sống thêm được một tuần để con cháu ở xa có cơ hội về thăm bà và nói những lời từ biệt. Rất may mắn bà rất sáng suốt, nhớ hết những người tới thăm viếng 24 tiếng trước khi ra đi.
Cách nay hơn hai năm lúc bố tôi mất vào tháng 6. Đầu mùa Hè nên thời tiết thật đẹp, việc tổ chức tang lễ cho ông dễ dàng hơn. Nhờ vậy bà con các nơi về rất đông... Nhưng năm nay thời tiết còn đang trong mùa Đông, truyền thông cho biết trước là có mưa, gió mạnh và có tuyết, tối sẽ rất lạnh. Tôi nghĩ thời tiết như vầy thì chắc vắng hơn vì bà con, bạn bè ở xa khó về được nhiều người. Nhưng tôi đã lầm, số người về còn đông hơn đám tang bố tôi rất nhiều. Hôm lễ tiễn đưa chúng tôi đã chuẩn bị 100 cái áo mưa để sẵn ở nhà quàn trước khi ra nhà thờ, nhưng không đủ đâu vào đâu, nhiều người phải dùng dù đi chung. Cũng may khi đoàn người tới nhà thờ thì không còn mưa nữa, cho đến khi ra nghĩa trang thì thời tiết rất đẹp nhưng khi hạ huyệt hoàn tất khoảng 5 phút sau là có trận mưa đá, người nào lừng khừng là bị những cục đá ném cho cũng đau nhưng không bị thương tích.
Bây giờ không còn bố mẹ là một mất mát to lớn. Không chỉ mất đi tình phụ mẫu mà mất cả những người thầy đã luôn dìu dắt, hướng dẫn tôi trong vạn nẻo cuộc đời. Sự hiện diện đông đảo của mọi người đã nói lên tấm lòng và tình cảm của họ đối bố mẹ tôi nói riêng và cả gia đình tôi nói chung. Hôm nay ngày giỗ trăm ngày của mẹ và sắp tròn 2 năm ngày giỗ bố. Chúng tôi chẳng biết nói gì hơn là cảm tạ tri ân bà con xa gần, bạn hữu cũng như thầy cô và bạn học của Mái Trường Xưa Tân Hiệp. Có những người tôi không nhớ, cũng có thể chưa bao giờ gặp nhưng đã cảm thông, chia sẻ nỗi mất mát của gia đình, thăm viếng hoặc ủi an, cầu nguyện cho song thân và cho gia đình trong những ngày tang lễ. Tôi không có Facebook nên chẳng sao hồi âm cũng như tâm tình cùng quí vị và các bạn được. Nguyện cầu ơn trên tuôn đổ hồng ân và những ơn lành xuống cho mọi người.
Nguyễn Cao Thăng
Comments