top of page
Tìm kiếm
Nguyễn Cao Thăng

Đi Hành Hương Do Thái Từ Mỹ

Nếu là người Công Giáo trên 60 trở lên mà còn đi đứng mạnh khỏe, tài chánh không khó khăn thì có lẽ hầu hết muốn tới Do Thái, vùng đất thánh của Thiên Chúa Giáo một chuyến cho biết để nhớ đời, và tôi chính là một trong những người đó.


Chúng tôi đã book chuyến hành hương này từ tháng 9 năm 2019, nhưng vì lý do dịch bệnh Covid nên chuyến đi phải hủy bỏ cho tới tháng 9 năm 2023 LM Phan Văn Đương mới tổ chức lại được. Trong chuyến đi này có rất nhiều người cùng quê với tôi, đã sống trên đất Mỹ khoảng 30 hay 40 năm.Tôi rất mừng được làm hài lòng bà bề trên nhà tôi, vì từ trước năm 1975, bà xã tôi đã ao ước được đi hành hương nơi Chúa sinh ra và chịu chết vì nhân loại, nên khi cha Đương hỏi là tôi ghi danh đi liền. Dịp này tôi đã có công lớn làm hoàn thành ước mơ từ bé của bà. Biết đâu sau này dù bà có muốn đi nhưng tay chân và sức khỏe không cho phép cũng phải đầu hàng.


Rất nhiều người đã đến đây do cha xứ ở các họ đạo tổ chức, nên tôi sẽ không viết về những địa điểm, quang cảnh cụ thể nữa, chỉ nói về một số cảm nghiệm của mình để những người đã đi và những người chưa đi cảm thấy thế nào.

Đi hành hương Do Thái với cha nào đi chăng nữa thì cũng phải qua các dịch vụ để người ta giúp mình chỗ ăn - ở, hướng dẫn viên. Các cha linh hướng có nhiệm vụ giải thích để người tham dự hiểu thấu về các khía cạnh, di tích trong thánh kinh nơi những người hành hương tới viếng thăm.

Từ Wichita tôi đi trước một ngày sang vùng thung lũng điện tử San Jose thăm một số bà con hiện cư ngụ tại đây, họ đã lớn tuổi chẳng biết còn sống được bao lâu. Trên chuyến bay từ Wichita tới Denver, bà xã tôi thấy một con ruồi cứ bay trước mặt, tôi để ý và thấy hơi kỳ, không biết có điềm gì đây, vì con ruồi cứ đảo lộn trước mặt bà. Tôi ghẹo bà là làm gì mà để ruồi bu theo. Bà vui vẻ bảo tại em xinh nên nó tới nhìn.

Khi chuyển qua chuyến thứ hai từ Denver tới San Francisco, ngồi chưa nóng đít thì bà xã lại nói có con ruồi bay trước mặt, nó đảo lộn vài vòng rồi biến mất. Tôi chợt nhớ lại con ruồi năm 2000, khi nhạc mẫu được chuyển đi Mayo clinic ở Minnesota chữa bịnh, bữa đó gia đình bên vợ tôi đều đi với tôi để thăm, rồi bà cụ đã ra đi tại bệnh viện này vào ngày mùng 4 tháng 8 năm 2000. Lúc chúng tôi vào xe để đi về, tôi thấy một con ruồi đậu bên trong kiếng xe trước mặt, mọi người đã tìm đủ mọi cách để đuổi ruồi ra, nhưng khi về gần tới nhà thì thấy con ruồi vẫn còn trong xe. Bây giờ nghĩ lại thì thấy bà ấy nói đúng, cả đời đi máy bay chưa bao giờ thấy ruồi, vậy mà kỳ này hai chuyến liên tiếp đều có ruồi đi theo, cũng may nó không đậu vào mặt hay quấy qủa lâu.

Ruồi bay trước mặt không biết là hên hay xui.

Máy bay đáp phi trường SF khoảng 8 giờ tối, chúng tôi về tới gần San Jose thì bà chị tôi hỏi: Có người nào lấy ra thùng giò 50 pounds chị mang đi để biếu bà con không? Mọi người ú ớ rồi bị trách là tại sao không mang thùng đồ ấy ra xe cho chị. Chúng tôi lại có cơ hội chọc ghẹo, bởi chị là người check in mà bắt chúng tôi phải nhớ và lấy đồ cho chị. Tuy về tới nhà đã 10 giờ đêm nhưng rất nhiều người bà con đã tới đó ngồi chờ để tiếp đón. Tôi lại có cơ hội nổ với mọi người, họ sống bình an nên cũng muốn tới để nghe tí tiếng pháo cho vui. Vì quá muộn nên bà con đã ăn tối cả rồi, đành phải ngồi nhìn chúng tôi ăn.

Hôm sau chúng tôi còn đang ăn sáng sau khi đi lễ ngày Chúa Nhật thì bà chị tôi đã gọi hối thúc đi thăm dòng họ. Tôi để hai bà chị ở nhà người bà con sống một mình. Trước đây chị sống với bố mẹ, nay ông bà không còn. Đại gia đình coi ngôi nhà đó như nhà tổ, chỉ có mình chị ở trông coi. Tôi muốn hai chị ở đó cho rộng rãi và nhắc nhớ chuyện xưa. Trước nay hai gia đình coi nhau như anh em ruột thịt ngay từ ngày còn ở Việt Nam. Nhóm còn lại bốn người tới một nhà khác rất rộng trên đồi cách khoảng 15 phút, con cái anh chị học xong nay đã đi xa, lần nào sang bắc Cali tôi cũng ở nhà này. Chúng tôi tới thăm nhà nào có trái cây cũng mang ra thết đãi, ăn không hết chúng tôi bỏ bọc mang đi. Chị tôi mới sáng sớm đã ra vườn hái thật nhiều trái vả chín và táo mang theo cho cả nhóm ăn. Trên đường ra phi trường, chúng tôi lại có cơ hội chọc chị về thùng đồ bỏ quên, chị bực quá bảo: Nếu phiền phức thì không thèm lấy nữa.

Chúng tôi cho chị thấy những phiền phức mà thùng đồ đã gây ra: Phải gọi một đứa cháu chở bố mẹ ra phi trường, rồi ở lại chờ lấy đồ và mang về San Jose phân phát cho bà con. Tôi thấy tội nghiệp cho người giao nhiệm vụ mang quà đi phân phát. Chắc chị ấy mất cả ngày để đưa qùa tới cho những người chị muốn cho.

Tôi rất thông cảm cho những người lớn tuổi khi sang Mỹ ở và đi thăm bà con, họ cứ chở củi về rừng. Tôi đã nhiều lần phản đối kịch liệt nhưng đều thất bại, chị tốn tiền mua, tôi tốn công chở chị đi mỗi lần sang Cali trong dịp đám tang hay đám cưới, người được cho thì không biết là sẽ ăn hay vất đi vì những người lớn tuổi kiêng cữ đủ thứ.

Khi tới phi trường, tôi phải đi năn nỉ người đi chung chuyến ăn dùm, nhưng chỉ hết một phần tư số trái cây mang đi. Có anh làm biếng không kiểm soát túi đồ, lúc lấy ra thì trong bọc đã có trái chèm nhẹp nên đành bỏ đi.

Nhóm chúng tôi hầu hết là 5 hay 6 chục tuổi, chỉ có vài người trên 7 chục nên việc đi lại rất nhanh, mấy người trên 7 chục đều được mọi người lưu tâm giúp đỡ mỗi khi cần thiết. Sau chuyến bay dài, đoàn hành hương bắt đầu đi từ phía Nam tới phía Bắc nước Do Thái, vòng quanh biển hồ Galile nơi Chúa đi giảng đạo 3 năm.

Mỗi ngày cha Đương nhắc lại cho chúng tôi biết nơi mình tới, có những sự kiện nào, để được hiểu kinh thánh hơn. Mặc dù tôi đã theo đạo hơn 60 năm, nhưng rất nhiều điều tôi chỉ nghe nhưng không thấy, và giờ đây tôi đã viếng thăm vùng đất lịch sử này, được ăn cá thánh Phê Rô, và hân hoan bước theo chân Chúa trong những nơi Chúa đi giảng đạo.

Bản thân tôi rất xúc động khi tới đặt bàn tay mình lên nơi chôn thánh giá, chạm vào tảng đá nơi Chúa được tháo đinh và đặt trên tấm đá, mân mê tảng đá nơi Chúa lên trời và nhất là được cụ thể đụng vào và đứng chiêm nghiệm ngôi mộ của Chúa. Tôi cũng được đứng trên đồi cao tại nhà thờ Dominus Flevit, nơi Chúa đã khóc thương cho thành Jerusalem sẽ bị phá hủy không còn viên gạch nào chồng lên nhau.

Trong chuyến đi này tôi có cơ hội nhìn cuộc sống của người Do Thái. Họ rất thông minh, đã từng một mình đã đánh bại 7 nước toan tính tiêu diệt họ đầu thập niên 70. Vậy mà nay cuộc sống của họ vẫn thua nước Mỹ dù cố gắng rất nhiều. Nhìn họ, tôi kiểm điểm lại chính mình, đời cha ông làm ruộng, tới đời tôi cũng làm ruộng nếu còn ở VN.

Tôi nhớ cảnh sau năm 75, tôi và anh bạn hiện ở San Jose có cái xe đạp cũ để đi học, có những bạn cùng trường không có xe đạp cũ để đi phải đi bộ cả chục cây số... Hai chúng tôi thường chở hai em bạn học tới trường, anh bạn tôi to con hơn tôi lúc ấy nên chở cô nặng cân, còn cô nhẹ ký thi tôi chở. Có một lần anh không muốn cô ta xuống xe để đi qua cây cầu bằng cây gòn bắt ngang qua rãnh nước, rồi không biết vì sao cả anh và cô ta văng xuống nước. Anh cười nói có người Chúa thưởng và có người Chúa phạt. Bây giờ tôi đoán chắc anh đã được Chúa thưởng, có được vợ đẹp lại giỏi, còn được con khôn. Anh không giống như rất nhiều cha mẹ VN chỉ muốn con làm bác sĩ, anh chị đã để chúng tự chọn, nhưng cả hai đứa con anh đã chọn con đường cho chính mình là làm bác sĩ để giúp người.Tôi cứ nhớ đến ngày xưa đó, những ngày gió lớn mà chở mấy em đi học, miệng anh há to như tàu há mồm để lấy hơi, chắc nhờ vậy anh đã được Chúa thưởng.

Tôi cũng biết rằng trong nhóm đi hành hương kỳ này đều xin Chúa ban ơn cho con cái biết sống đạo và giữ đạo, mặc dù trên mặt xã hội chúng rất thành công, nhưng về niềm tin vào Chúa chúng đã lơ là hơn nhiều so với thời chúng tôi. Chúng ta không thể đổ lỗi hoàn toàn cho chúng, mình cũng phải chịu trách nhiệm một phần nào đó, rất nhiều gia đình vì cơm áo gạo tiền đã không có giờ cho đời sống tinh thần của con cái, tới lúc biết được thì đã muộn. Tôi nhớ lúc mới vào đại học, có những học sinh thích chơi với Mỹ chứ không chơi với VN, vì hoàn cảnh hay vấn đề gì đã làm cho họ chối bỏ mình là người Việt. Ngày ấy ban lãnh đạo hội sinh viên toàn những tay già, tôi nghĩ thế hệ thứ hai và thứ ba sẽ không còn hội sinh viên Việt Nam nữa bởi thế hệ trẻ sẽ không tham gia. Nhưng tôi đã lầm, hiện nay hàng năm đã có những buổi họp hội sinh viên toàn nước Mỹ để tìm ra những giải pháp cho những học sinh VN như: cha mẹ chỉ muốn con làm bác sĩ hay kỹ sư chứ không muốn những ngành nghề con thích, từ đó đã xảy ra những chuyện đáng buồn. Tôi hy vọng rằng một hay hai trăm năm sau, những thế hệ cháu chắt vẫn còn đọc được tiếng Việt. Hiện nay có nhiều nơi như nhà thờ hay chùa chiền có dậy tiếng Việt, không phải như những người Việt sang Đại Hàn mới mấy trăm năm mà không còn biết tí tiếng Việt, như ông Nguyễn Ngọc Ngạn nói. Điều sau cùng tôi muốn nói tới là tượng Đức Mẹ La Vang ở bên Do Thái, chúng tôi đã được tới nơi và cầu nguyện với Đức Mẹ, bức tượng này mới có từ năm 2018, ai có dịp đi hành hương và có thời gian nên ghé thăm và cầu xin tâm tình với Mẹ.

Trong chuyến hành hương cho những người già không thể tránh khỏi những chuyện cười ra nước mắt, đi đâu bây giờ ai cũng có phone để liên lạc và chụp hình. Chuyến này có một chị khi xe bus dừng, chị vội chạy xuống đi với hướng dẫn viên để nghe và chụp hình, khi chị tìm trong túi xách thì không thấy phone nên vội vã chạy đi kiếm phone, chị không biết rằng khi chị đi ra, làm rớt cái phone trên xe, ông chồng đã nhặt cái phone và đi theo để đưa cho chị, nhưng chị đi rất nhanh nên khi chị trở về xe và biết anh đang cầm phone của mình, chị đã quay qua trách anh. Cũng trong ngày này, lại một chuyện nữa xảy ra, theo như anh kể, vợ anh kêu đưa chai nước và cái giỏ đặt trước mặt cô Liên, khi chị về lại chỗ ngồi trên xe bus không thấy túi xách của mình nên nghĩ là bị mất, thế là khoảng cỡ 10 người ngồi phía trên chạy vào bên trong khu shopping để tìm túi xách, vì tất cả mọi người lo sợ giấy tờ anh chị để trong đó. Thấy mọi người nháo nhào, cô Liên hỏi chuyện gì mà quýnh quáng cả đám thế, họ nói đi tìm túi xách, Liên đưa túi xách lên và bảo ổng gửi ở đây nè. Chuyện cuối cùng cũng là cái phone, khi mọi người lên xe bus và chuẩn bị đi nơi khác, anh bạn tôi rờ túi không thấy phone, anh kiếm trong trong ba lô không thấy nên vội nhảy xuống vào trong tìm, chị vợ gọi nhưng không thấy phone reng nên mọi người nghĩ phone đã có người lấy mất rồi, tôi ngồi hàng ghế trước nên cũng coi bên dưới sàn coi có rớt xuống không nhưng không thấy, sau cùng tôi rờ cái kẽ của hai ghế ngồi, tôi đụng ngay cái phone đã rớt vô đó.


Chúng tôi đã chúc mừng anh bằng tràng pháo tay, vì anh đã có được một niềm vui trong ngày.

Tôi xin thành thật cám ơn cha Đương và bà Helen đã bỏ ra bao nhiêu công sức cho chuyến đi này.

Khi đi từ hotel Tel Aviv ra phi trường, chúng tôi được tin chuyến bay trở về Mỹ bị đình hoãn, bà đã liên lạc với hãng máy bay để chúng tôi có thêm một ngày vui chơi với nhau bên bờ biển, thú vị hơn khi nhìn thấy những sinh hoạt an vui của người dân và du khách, chứ không phải như những gì thông tin trên các trang mạng.


Một người trong nhóm tôi tới khách sạn đầu tiên khi nhận phòng, nhìn ra cửa sổ nói với người bạn đang sống bên Mỹ, người bạn ấy đã khuyên: Đừng nhìn ra cửa sổ vì có thể có một người đứng núp ở chỗ bí mật để bắn sẻ, làm chị phải nằm xuống để nói chuyện. Chị nói nếu còn ở bên Mỹ coi những YouTube mà người bạn gửi thì chị sẽ bỏ vé máy bay không đi nữa, chị cảm thấy đi ra ngoài đường còn an toàn hơn Portland, Chicago, New York và những thành phố lớn ở Mỹ.


Riêng tôi cũng đã được một số người quen cảnh báo đủ mọi thứ, vì họ đã đọc qua trang mạng hay đài phát thanh, rất nhiều người đã tin vào những tin vịt mà người ta cho là đúng.

Tất cả mọi người trong nhóm tôi đã học hỏi được rất nhiều về Do Thái cũng như những con đường Chúa đi để cứu chuộc loài người. Mọi người đều hẹn nhau năm tới. Chúng tôi vẫn coi nhau như anh em và vui nhất vẫn là câu chuyện về những ông bà già lẩm cẩm.

Chúng tôi ở lại thêm một ngày mà không phải trả thêm đồng nào cho chuyến bay và khách sạn, bởi vì đã mua insurance cho vé máy bay.


Bây giờ về nhà và nghĩ lại, mới ngày nào lúc còn trẻ bỏ nước ra đi, nước Mỹ đã mở rộng vòng tay và đón nhận tôi, cho tôi cơ hội để tiến thân, đã được rất nhiều điều may mắn. Riêng tôi cảm thấy rằng Chúa đã ban cho tôi tất cả những gì tôi có trên cõi đời này. Một lần nữa xin cám ơn cha Đương đã cho tôi đi chuyến này để thấu hiểu hơn về Chúa, tôi cố gắng sống tốt đẹp hơn.

20 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

留言


bottom of page